Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng

KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng

Ngày 23-01-2025 Lượt xem 38

Trong những năm gần đây, dù đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là điều kiện địa lý khó khăn của một tỉnh miền núi, song với sự nỗ lực đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của người dân, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng và tích cực, trong đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2024 đã chạm ngưỡng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 6,74% so với năm 2023, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của KH,CN&ĐMST đối với sự phát triển bền vững, tỉnh Cao Bằng đã quan tâm thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực này, đồng thời không ngừng đầu tư tăng cường tiềm lực phát triển KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thăm quan gian hàng của Sở KH&CN tại Techfest Cao Bằng năm 2024

Năm 2024, Sở KH&CN đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 42 văn bản chỉ đạo, trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của cấp trên trong lĩnh vực KH&CN. Tiêu biểu trong đó có: Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW;  Kế hoạch UBND thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2024 của Chính Phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, trong năm 2024, sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong chặng đường sự nghiệp phát triển KH,CN&ĐMST của tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội là việc tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất – Techfest Cao Bằng 2024, gắn kết, kết hợp trong khuôn khổ Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Trung du miền núi phía Bắc lần thứ XIX do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức tại tỉnh Cao Bằng. Sự kiện là chuỗi các hoạt động KH,CN&ĐMST với quy mô toàn vùng mở rộng, gồm 02 hội thảo khoa học, 01 tọa đàm khoa học, 01 diễn đàn khoa học, 02 hội nghị tập huấn và Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất, được tổ chức trong hành trình kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10/2024.

 Techfest Cao Bằng và Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du miền núi phía Bắc 2024, diễn ra từ ngày 08- 10 tháng 10 năm 2024, không chỉ là một sự kiện quy mô lớn, mà còn là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của gần 500 đại biểu, với 50 gian hàng trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ và các dự án khởi nghiệp sáng tạo, là cơ hội để các ý tưởng mới được giới thiệu và kết nối với các nhà đầu tư, chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp.

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất – Techfest Cao Bằng 2024 là sự kiện khoa học công nghệ nằm trong khuôn khổ các hoạt động thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đi mới sáng tạo địa phương. Từ năm 2022, khi Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đây là cú hích quan trọng để nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo và được thực hiện thành công.

Từ năm 2022 đến nay, với vai trò là đơn vị thường trực triển khai Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cao Bằng đã không ngừng nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, Sở đã tham mưu, chủ trì tổ chức hàng loạt các hoạt động hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, năng lực tiếp cận cho các đối tượng chủ thể thụ hưởng chính sách.  Bên cạnh đó, trong thời gian qua Sở KH&CN cũng triển khai các cơ chế chính sách mạnh mẽ, hỗ trợ ươm tạo những ý tưởng sáng tạo, tạo dựng môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Chính nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ này, Cao Bằng đã vinh dự trở thành một trong ba địa phương tiêu biểu trên cả nước được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI - công nhận, trao tặng danh hiệu "Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2024". Điều này đã tiếp thêm động lực, khẳng định mạnh mẽ sự quyết tâm, tiến bước của tỉnh Cao Bằng trong việc thúc đẩy xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong tương lai.

Đại diện các tỉnh: Cao Bằng, Đồng Tháp, Bình Định (thứ tự từ phải qua trái trong ảnh) nhận danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2024” do ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI và ông Nguyễn Linh Anh – Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trao tặng

Tăng cường tiềm lực KH&CN, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KH&CN có vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó lĩnh vực sản suất nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng đến năm 2030 và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà theo hướng ổn định, bền vững. Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh đã phê duyệt thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung, huyện Hòa An, do Sở KH&CN làm chủ đầu tư. Sau hơn 02 năm thi công, đến nay Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thuộc Sở KH&CN Cao Bằng đang phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ triển khai thực hiện Dự án: "Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu Lan Kim Tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng”. Đồng thời tiến hành trồng thử nghiệm trong nhà lưới, nhà màng thông minh các loại cây ăn quả và hoa như: dưa lê Chu Phấn, Dưa leo Tiểu yến, dưa chuột bao tử, chanh leo vàng, cà chua bi hoa quả, cúc mâm xôi, dạ yến thảo ... Hiện nay các loại cây hoa và cây ăn quả đang phát triển tốt, một số đang bắt đầu được thu hoạch.

Trên cơ sở bám sát theo Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 03 tháng 11 năm 2021 về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một số chỉ thị, nghị quyết về Khoa giáo thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ tại 03 huyện: Thạch An, Hòa An, Hạ Lang và Sở KH&CN. Kết quả đạt được: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền qua đó nhận thức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về phát triển KHCN&ĐMST đã được củng cố, từng bước nâng cao và được cụ thể hóa thành các văn bản, chương trình và hoạt động thực tiễn thiết thực, hiệu quả; Ngân sách dành cho hoạt động KH&CN được quan tâm đầu tư, tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho KH&CN, phân bổ một phần ngân sách địa phương tăng dần hàng năm cho hoạt động KH&CN trung bình trên 20% mỗi năm (theo Nghị quyết số 06-NQ/TU). Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai đều bám sát các chương trình trọng tâm, mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát triển; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý các vấn đề phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế- văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý KH&CN tiếp tục có những đổi mới, phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tham gia đề xuất, tổ chức tuyển chọn, xác định các nhiệm vụ KH&CN cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh và  tham gia phối hợp quản lý các nhiệm vụ KH&CN theo quy định.

Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức quản lý 55 nhiệm vụ KH&CN, gồm: 42 nhiệm vụ chuyển tiếp, 13 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2024. Trong đó đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu 20/17 nhiệm vụ (đạt 117,6%), tổ chức 32 Đoàn kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện đối với các nhiệm vụ đang triển khai thực hiện; cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện cho 11 nhiệm vụ KH&CN. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trọng tâm hàng năm và trong trung hạn, cũng như dài hạn của tỉnh, bám sát các nội dung đột phát về phát triển nông nghiệp và du lịch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII của tỉnh; đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa truyền thống và tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Hoạt động quản lý công nghệ trên địa bàn tiếp tục được duy trì: trong năm đã tham gia thẩm định, cho ý kiến về công nghệ đối với 02 dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; tham gia cho ý kiến về công nghệ đối với 09 dự án; Triển khai hoạt động phổ biến thông tin và tổng hợp, xác định nhu cầu tìm kiếm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;  

Trong năm 2024, tỉnh Cao Bằng có 31 đơn đăng ký sơ hữu công nghiệp (trong đó có 28 nhãn hiệu; 03 kiểu dáng công nghiệp); 06 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp; Tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về xác lập, bảo hộ và quản lý phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh thông qua lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ; Hướng dẫn thủ tục cho 08 lượt đối tượng thực hiện đăng ký sáng chế và nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa;

Hoạt động thúc đẩy phong trào sáng tạo: trong năm toàn tỉnh có 1.224 giải pháp được đề nghị công nhận sáng kiến; kết quả có 921 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả; 242 sáng kiến được chuyển giao, nhân rộng.

Công tác quản lý an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường, đảm bảo yêu cầu quy định. Triển khai hoàn thành công tác kiểm tra an toàn bức xạ tại 09 cơ sở thiết bị X-quang tế theo kế hoạch. Tiếp nhận, thẩm định và cấp 16 Giấy phép tiến hành công việc bức xạ và 05 chứng chỉ nhân viên bức xạ.

Công tác quản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được duy trì đẩy mạnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và trật tự trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, Sở KH&CN đã hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng 07 tiêu chuẩn cơ sở, trong đó 06 tiêu chuẩn cơ sở đã được công bố áp dụng; tham gia xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong năm Sở đã tiến hành thực hiện 02 cuộc kiểm tra tại 13 cơ sở; hướng dẫn 10/10 huyện/thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch kiểm tra nhà nước về đo lường năm 2024 tại các địa phương; tham gia Tổ liên ngành triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; tổ chức 01 lớp đào tạo và cấp Giấy chứng nhận nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường cho 30 công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý đo lường cấp tỉnh, cấp huyện… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Tổ chức kiểm tra việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 48/48 cơ quan hành chính; tham mưu cho Ban chỉ đạo ISO tỉnh đánh giá, xếp hạng kết quả xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 của các cơ quan HCNN. Hỗ trợ theo Nghị quyết 93/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 cho 03 doanh nghiệp với tổng số tiền là 110 triệu đồng cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tiêu biểu:  Công ty Xăng dầu Cao Bằng vinh dự được nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

Công tác thanh tra KH&CN được tăng cường triển khai. Cụ thể: Tổ chức thực hiện 04 cuộc thanh tra chuyên ngành về đo lường, chất lượng và an toàn bức xạ tại 13 cơ sở (đạt 100% kế hoạch đề ra). Đã ban hành kết luận thanh tra 04/04 cuộc; ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường, chất lượng đối với 04 doanh nghiệp, tổng số tiền thu nộp ngân sách là 23.000.000 đồng.

Công tác thông tin, tuyên truyền KH,CN&ĐMST của tỉnh cũng được đẩy mạnh, giúp người dân và cộng đồng hiểu rõ hơn về vai trò của khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế xã hội. Các chương trình truyền hình, bản tin khoa học và công nghệ, cùng với việc xây dựng các cổng thông tin điện tử, đã giúp kết nối các cá nhân, tổ chức, tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp năng động và sáng tạo.

Đặc biệt trong năm 2024, Sở KH&CN chính thức đưa vào vận hành và quản lý Cổng Thông tin điện tử về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh tại địa chỉ https://startup.caobang.gov.vn"Hệ thống Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Cao Bằng", tại địa chỉ: https://truyxuatnguongoc.caobang.gov.vn/ đã được đưa vào vận hành, hiện nay có 110 tài khoản với trên 130 sản phẩm; thành lập các điểm truy xuất nguồn gốc cộng tại TP Cao Bằng, Thạch An, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến hành tổ chức Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030; cũng là thời điểm quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng khi nhiều chương trình, dự án trọng điểm đang được tập trung triển khai và tiếp tục triển khai. Đối với ngành khoa học, công nghệ, càng là thời điểm hết sức đặc biệt, khi mà Bộ chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là cơ hội thuận lợi để tỉnh có nhiều chính sách, quyết sách và các hành động mạnh mẽ để thúc đẩy KH,CN và ĐMST, chuyển đổi số lên một tầm cao mới, phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững;  bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động KH,CN&ĐMST tập trung vào khai thác tiềm năng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Việc thành lập Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh, cùng với các dự án liên quan đến chuyển đổi số và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong năm tới.

Cao Bằng đang vững bước trên con đường phát triển nhờ vào ứng dụng mạnh mẽ của KH,CN&ĐMST. Những thành tựu đã đạt được trong năm 2024 và những kế hoạch đầy hy vọng trong năm 2025 không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tỉnh mà còn góp phần vào sự phát triển chung của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số đang trở thành chìa khóa then chốt cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Cao Bằng, đồng thời góp phần vào "Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

P.H

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat