Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 11-11-2024 Lượt xem 11

Nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đưa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn. Năm 2024 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (viết tắt là Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cao Bằng đã triển khai hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp bằng việc ứng dụng công nghệ cao trồng: Lan hồ điệp; lan Kim tuyến; dưa lê Chu Phấn ... trong hệ thống nhà màng, nhà lưới thông minh, tại Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung, Hòa An.

Đồng chí Bế Đăng Khoa kiểm tra mô hình trồng cây Lan hồ điệp trong nhà màng tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung huyện Hòa An

Năm 2023, tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung, Hòa An  thuộc Trung tâm, đã được đầu tư Công trình Xây dựng Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Đề án Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng, do Sở KH&CN làm chủ đầu tư. Đề án có các hạng mục xây dựng gồm: Nhà ở chuyên gia; khu sản suất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (gồm: 01 nhà màng; 02 nhà lưới, hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng giám sát, điều hành..); khu vườn lưu trữ bảo tồn cây giống gốc, cây trội, cây đầu dòng; sân đường bê tông.... Công trình được đầu tư nhằm mục đích, đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật tiến bộ, phát triển vào các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Sau hơn 01 năm thi công, đến nay các hạng mục đã hoàn thành và được đưa vào thử nghiệm.

Hiện nay Trung tâm phối hợp với Viện Ứng dụng công nghệ triển khai thực hiện Dự án: "Ứng dụng công nghệ cao xây dựng mô hình trồng dược liệu Lan Kim Tuyến bản địa và một số loài lan khác tại tỉnh Cao Bằng", thời gian thực hiện năm 2023 -2025. Hiện tại có 3.000 cây Lan hồ điệp đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt đã có ngồng hoa, dự kiến hoa sẽ nở vào dịp tết nguyên đán 2025. Đồng thời, dự án cũng đã đưa vào trồng được 5.000/16.000 cây Lan kim tuyến, phấn đấu đến tháng 6/2025 sẽ hoàn thành trồng tiếp số cây còn lại. Lan kim tuyến là nguồn gen bản địa của tỉnh Cao Bằng, nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và nuôi trồng trong nhà màng thông minh. Mục tiêu chung của các mô hình trồng lan ứng dụng nông nghiêp thông minh là: Điều khiển điều kiện vi khí hậu để thích hợp cho điều kiện sinh trưởng và điều khiển ra hoa theo ý muốn; số hoa trên 01 cành cây sẽ đạt được theo mục tiêu yêu cầu.

Đồng chí Bế Đăng Khoa – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng cho biết:

“Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung, Hòa An, thuộc Đề án Nông nghiệp thông minh của tỉnh, được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng. Với mục tiêu là triển khai công tác bảo tồn lưu trữ các cây trồng đặc hữu của địa phương, cũng như là ứng dụng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để làm các mô hình trình diễn chuyển giao cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy hoạt động ứng dụng nông nghiệp công nghệ thông minh trong toàn tỉnh Cao Bằng.

Đến giờ phút này Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về mặt đầu tư cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Song song với việc hoàn thành các hạng mục xây dựng cơ bản, Trung tâm bắt đầu thí nghiệm triển khai đợt đầu tiên trồng Lan kim tuyến theo ứng dụng công nghệ cao, bảo tồn và tính toán phát triển công nghệ thông minh. Bên cạnh đấy các loại cây ngắn ngày như các loại hoa, dưa lưới,... cũng đang được thử nghiệm. Nhằm mục đích rà soát lại hệ thống trang thiết bị khu nhà màn, nhà lưới; tính toán xem hiệu quả bước đầu, từ đó làm căn cứ để điều chỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện.Việc xây dựng mô hình trong việc chuyển giao, đưa kết quả vào thực tế sẽ ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong phát triển nông nghiệp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, khó khăn của việc xây dựng nhà màng, nhà lưới là khá xa trung tâm Thành phố Cao Bằng và địa hình ở đây cũng không được thuận lợi. Đặc biệt nữa là Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai là lần đầu tiên tỉnh Cao Bằng tổ chức thực hiện, vì thế ngay từ đầu xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn trong việc thiết kế, sắp xếp, sắp đặt, điều chỉnh cho hợp lý vừa là đảm bảo theo thực tế, nên gặp nhiều khó khăn, vì vậy thời gian này mới bắt đầu cơ bản hoàn thành xây dựng.

Việc ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chung, Tỉnh Cao Bằng có rất nhiều các mô hình của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ quan nhà nước, các trung tâm thực nghiệm và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cao Bằng cũng là bước vừa là thử nghiệm vừa là xây dựng mô hình, đồng thời là chuyển giao. Qua bước đầu triển khai loại cây có giá trị cao như  Lan kim tuyến, có những yêu cầu tương đối khắt khe, quá trình theo dõi chăm sóc cũng phải yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp có năng lực về cả điều kiện tài chính, cả điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, mới có thể là ứng dụng triển khai được. Tuy nhiên cũng hướng đến một số các mô hình ở mức độ vừa phải, như trồng các loại rau, dưa, hoa … hiện nay có thể chuyển giao được ngay.

Các loại cây trồng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp xã Lê Chung, Hòa An, tất cả các khu hệ thống điều khiển đều được giám sát chung tại phòng giám sát và cũng được điều hành giám sát qua áp của điện thoại, nên rất thuận tiện trong việc theo dõi, trồng và chăm sóc cây. Đặt biệt từ việc ứng dụng cây trồng trong nhà màn, nhà lưới số lượng nhân công sẽ giảm rất nhiều, chỉ có những lúc tỉa, cắt bớt cành, lá thì chỉ cần một, đến hai người. Hiện nay các cây trồng trong nhà màng, nhà lưới thông minh có những tín hiệu tương đối tích cực, tỉ lệ cây sống tốt, cây sinh trưởng phát triển đang theo đúng quy trình thông số kỹ thuật của các loại cây. Tôi tin tưởng rằng việc chăm sóc tốt và chăm sóc được điều kiện trong nhà màng, nhà lưới sẽ đạt được hiệu quả, Sở KH&CN có những tính toán đánh giá trong việc tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan thúc đẩy việc chuyển giao vào thực tiễn trong đời sống sản xuất”.

Cùng với mô hình trồng các cây Lan hồ điệp, Lan kim tuyến, Trung tâm tiến hành trồng thử nghiệm mô hình dưa lê Chu Phấn số lượng 1.400 bầu trong nhà lưới thông minh.

Chị Đinh Thị Thùy - Phó Trưởng trạm phụ trách, Trạm Thực nghiệm và chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, cho cho biết:

Trồng dưa lê Chu Phấn có hệ thống bảo ôn và nước tưới nhỏ giọt và hệ thống chân phân tự động hóa toàn bộ. Hệ thống ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm luôn được kiểm soát, điều chỉnh tạo môi trường sinh trưởng, phát triển tối ưu cho cây trồng. Sau hai tháng triển khai thực hiện, cây dưa lê Chu Phấn phát triển rất tốt, đang bói quả. Việc trồng dưa trong nhà lưới thông minh, hiệu quả hơn loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống, như: Giúp bảo vệ cây trồng trước những tác động gây hại của côn trùng, sâu bệnh, chuột.. phá hoại cây trồng. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp dễ dàng kiểm soát và điều chỉnh lượng nước tưới và chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, giảm thiểu công chăm sóc, hạn chế sử dụng các chất hóa học.

Từ thành công của các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ là tiền đề quan trọng để Trung tâm tiếp tục mạnh dạn triển khai thực hiện các cây trồng tiếp theo trong nhà màng, nhà lưới. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030 Trung tâm sẽ thực hiện nhân giống cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp và giống cây đặc sản của địa phương trong đó có cây: Thất diệp nhất chi hoa, xa nhân tím, thạch đen. Tiếp nhận và nắm vững quy trình: Nhân giống cây trám đen, công nghệ bảo quản, sơ chế hạt dẻ, công nghệ sản xuất, bảo quản thạch đen; xây dựng mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm để nhân rộng sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Cây ăn quả có múi, lê xanh, lê vàng...

Thông qua việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai tại Trang trại Khoa học Nông lâm nghiệp tại xã Lê Chung huyện Hòa An. Trung tâm phấn đấu hướng đến mục tiêu sẽ là hạt nhân về công nghệ và tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; đồng thời tạo điều kiện để chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nền sản xuất hiện đại đạt năng suất và hiệu quả ./.

N.Th

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat