Sinh ra và lớn lên trên quê hương Sơn Lộ, Bảo Lạc, Cao Bằng, chàng thanh niên Đàm Văn Tiến thấu hiểu những vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, cách biệt với các trung tâm lớn của tỉnh. Để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là điều không dễ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tiến không chọn con đường đi học chuyên nghiệp, mà bắt tay ngay vào khởi nghiệp, lập nghiệp, tìm con đường phát triển kinh tế. Sau nhiều thử nghiệm với nhiều loại vật nuôi khác nhau, cuối cùng Tiến đã thành công và phát triển nuôi ốc nhồi hữu cơ tại Cao Bằng.
Sinh năm 1997, dù mới 24 tuổi, nhưng Đàm Văn Tiến đã khởi nghiệp được 5 năm. Khát vọng vươn lên, làm giàu cho bản thân và người dân của quê hương mình chưa bao giờ vơi cạn trong lòng chàng trai trẻ. Chính khát vọng ấy đã thôi thúc Tiến không ngừng tìm tòi, học hỏi, thử nghiệm. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu của tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Bảo Lạc nói riêng phù hợp với ngành nuôi thủy sản, năm 2017 Tiến đã khảo sát, tìm hiểu và bắt đầu khởi nghiệp từ chăn nuôi ếch. Với sự cần cù, ham học hỏi, Tiến đã nắm được kỹ thuật, quy trình và thành công trong chăn nuôi ếch, sản lượng giống và thương phẩm trên 2 tấn/năm. Tuy nhiên, thức ăn từ ếch không được nhiều người ưa chuộng, thị trường tiêu thụ hạn chế, con đường nuôi ếch không được lâu dài. Do đó, Tiến lại trăn trở, tìm hướng đi mới cho mình.
Năm 2019, Tiến bén duyên với con ốc nhồi. Nhận định con ốc có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng chăn nuôi, phát triển tại Cao Bằng. So với các tỉnh đồng bằng thì Cao Bằng có rất nhiều lợi thế như nguồn nước dồi dào, sạch sẽ, thức ăn phong phú và đa dạng như các loại rau, củ, quả, bèo tấm, bèo cái, lá sắn,…. đều là thức ăn tự nhiên, có thể tự trồng được. Chi phí đầu tư nuôi thấp, rủi ro ít. Do đó, Tiến quyết định tập trung nuôi ốc nhồi và là người tiên phong trong việc phát triển loại vật nuôi mới này tại tỉnh Cao Bằng.
Với ý nghĩa đó, tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng năm 2021 do Tỉnh Đoàn thanh niên và Sở Khoa học công nghệ tổ chức, Dự án của Tiến đã đạt giải Dự án có ý nghĩa lan tỏa, góp phần phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tin tưởng rằng, trong tương lai Hợp tác xã nông lâm Tiến Phát của Đàm Văn Tiến sẽ ngày càng phát triển, thành công, góp phần làm giàu cho người dân trên quê hương Sơn Lộ.
Hiện nay, quy mô chăn nuôi ốc của Tiến mở rộng gần 1,5 ha ao nuôi. Mỗi năm nuôi 2 vụ, sản lượng 3 tấn/vụ. Lợi nhuận hằng năm trên 150 triệu đồng.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Tiến đã thành lập HTX nông lâm Tiến Phát Cao Bằng, ký kết hợp đồng và liên kết tiêu thụ với các công ty tại Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Bình. Hiện nay, sản lượng chăn nuôi vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu của các bên đối tác và thị trường.
Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân, Tiến còn nhân rộng mô hình của mình cho các hộ dân ở trong và ngoài địa phương. Hiện nay, Tiến đang thực hiện Dự án “Nuôi Ốc nhồi hữu cơ theo mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó, Hợp tác xã nông lâm Tiến Phát cung cấp con giống, tổ chức tập huấn miễn phí, chuyển giao quy trình, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, xử lý sự cố, các loại bệnh trên ốc khi cần thiết. Quan trọng nhất, HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các hộ chăn nuôi, do đó các hộ không phải lo lắng tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mình làm ra. Hiện tại dự án đã cung cấp con giống cho một số hộ trong và ngoài huyện như: Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Hòa, Hà Quảng, Trùng Khánh và Thạch An,...Đây là một giải pháp, hướng đi mới, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân.