Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
Anh Hoàng Văn Luân phát triển kinh tế từ rừng.

Anh Hoàng Văn Luân phát triển kinh tế từ rừng.

Ngày 25-01-2024 Lượt xem 16

“Gương mẫu, chăm chỉ, chịu khó” là lời khen mà nhiều người dân xóm 5, xã Chu Trinh (Thành phố) dành cho người thanh niên Hứa Văn Mạnh. Có dịp đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh, chúng tôi thật sự ấn tượng với khu vườn cam, thanh long bạt ngàn, xanh mướt.

Năm 2017, sau khi hoàn thành nghĩa vũ quân sự, anh Mạnh xuất ngũ trở về địa phương và bắt tay vào lập thân, lập nghiệp. Khai thác lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu địa phương phù hợp với trồng cây ăn quả, anh quyết định trồng thử 200 gốc thanh long đỏ. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây sinh trưởng tốt, cho thu hoạch ổn định. Nhận thấy cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác như lúa, ngô, rau, anh mạnh dạn mở rộng thêm 300 gốc thanh long, đồng thời trồng thêm cam, bưởi, na… “Thời gian đầu do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên quá trình khởi nghiệp tương đối vất vả. Tôi vừa học hỏi mô hình làm ăn ở nhiều nơi, vừa tự học trên mạng Internet, sách, báo cách chăm sóc cây, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Có lẽ, sự kiên trì, quyết tâm của người lính đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn”, anh Mạnh bộc bạch.

Không chỉ phát triển kinh tế với vườn cây ăn quả, anh Mạnh còn trồng gần 2 vạn cây chè Ô Long và Bát Tiên. Xác định “sạch, an toàn” là tiêu chí hàng đầu trong sản xuất, do đó, anh áp dụng phương pháp chế biến chè thủ công từ khâu thu hoạch đến sấy khô, đảm bảo chất lượng chè thơm ngon, không có phụ gia hay chất bảo quản. Anh là tấm gương sáng trong phát huy tinh thần tương trợ, thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh. Mô hình kinh tế của anh tạo việc làm thời vụ cho 5 công nhân, giúp họ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, anh nhiệt tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cây giống cho các hộ gia đình phát triển sản xuất.

Cùng chung đam mê trồng cây ăn quả, anh Nông Ngọc Tuân, xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (Thạch An) phát triển mô hình trồng ổi Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Tuân quyết định lên đường nhập ngũ và hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về quê hương. Xuất thân trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 3 người con ăn học, vì vậy anh luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Ý chí, nghị lực được tôi luyện trong quân ngũ khiến anh không ngừng cố gắng, cần cù lao động sản xuất. Năm 2016, anh Tuân vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của địa phương để trồng 300 gốc ổi Đài Loan. Sau hơn 5 năm, vườn ổi đã cho thu hoạch với sản lượng cao, chất lượng quả to đẹp, giòn ngọt, được nhiều khách hàng ưa thích. Nhờ đó, gia đình anh trả được vốn vay và tiếp tục trồng thêm gần 300 cây bưởi tiến vua, bưởi da xanh và cây trám đen. Anh Tuân quan niệm: Làm nông nghiệp phải đặt cái tâm lên hàng đầu. Nếu mình sản xuất ra được những sản phẩm tốt, sạch, an toàn thì khách hàng mới gắn bó lâu dài.

Cùng với mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi là hướng đi được nhiều thanh niên lựa chọn. Các mô hình trang trại, hợp tác xã nuôi lợn, gà, vịt thương phẩm phát triển mạnh mẽ, tạo thương hiệu trên thị trường. Trong số đó phải kể đến tổ hợp tác xã chăn nuôi gà thương phẩm theo phương pháp an toàn sinh học do anh Hoàng Văn Khoa, xóm 4, xã Chu Trinh (Thành phố) làm tổ trưởng.
Với tinh thần tiên phong, gương mẫu của người lính Cụ Hồ, anh Khoa không chỉ sôi nổi trong các hoạt động đoàn thể địa phương mà còn đi đầu trong phát triển kinh tế. Năm 2017, anh nuôi 300 con gà ri lai thử nghiệm, nhận thấy kết quả khả quan, anh quyết định tăng đàn lên 1.000 con. Mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, từ khâu chọn con giống, xử lý nền chuồng, tiêm phòng đến tỷ lệ thức ăn theo giai đoạn được thực hiện theo đúng quy trình nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy thời gian nuôi gà lâu hơn nhưng thịt gà sẽ chắc, ngọt, đậm đà. Để mở rộng mô hình, năm 2019, anh Khoa và một số đoàn viên chung chí hướng đã thành lập Hợp tác xã chăn nuôi gà với 7 thành viên. Sản phẩm thịt gà của hợp tác xã đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc nên được nhiều khách hàng yên tâm đặt mua. Mỗi ngày trang trại cung cấp khoảng 30 - 50 con gà đã thịt sạch cho các nhà hàng, quán ăn, hộ gia đình. Với giá bán trung bình khoảng 90 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 161 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, bao gồm lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp, trồng trọt, dịch vụ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có 70 mô hình của thanh niên xuất ngũ. Những năm qua, các cấp bộ Đoàn thường xuyên phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; huy động các nguồn vốn hỗ trợ; động viên, khuyến khích quân nhân xuất ngũ phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Đằng sau mỗi tấm gương thanh niên xuất ngũ làm kinh tế giỏi là câu chuyện về phẩm chất cao đẹp, ý chí phấn đấu vươn lên của những anh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Linh An - báo Cao Bằng

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat