Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
Phát huy vai trò của phụ nữ với KH&CN tại Cao Bằng

Phát huy vai trò của phụ nữ với KH&CN tại Cao Bằng

Ngày 21-03-2024 Lượt xem 43

Hiện nay, đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển tỉnh Cao Bằng. Số lượng phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ ngày một tăng lên và họ đang có những đóng góp lớn lao trong các lĩnh vực của đời sống, kinh tế và xã hội. Thông qua hoạt động của ngành khoa học, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình. 

Hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 của Sở KH&CN tổ chức 

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Cao Bằng có tổng số 69 công chức, viên chức và người lao động. Trong đó, nữ có 37 người, lãnh đạo nữ có 8 người. Là cơ quan tham mưu trực tiếp cho tỉnh về lĩnh vực KHCN, thời gian qua hoạt động KH&CN tiếp tục có sự phát triển tích cực, trên các mặt, lĩnh vực từ: Tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, tạo hành lang pháp lý cho triển khai các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo; các hoạt động quản lý nhà nước, sở hữu trí tuệ, thanh tra, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Trong các công việc chuyên môn, chị em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt nhiều thành tích, danh hiệu của các cấp, ngành. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, rất nhiều những tiến bộ của KH&CN được khai thác, chuyển giao tới các cơ sở sản xuất, cộng đồng và toàn xã hội. Những đóng góp đó trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội như: Sản xuất nông nghiệp, y dược, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội… Kết quả của các hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật và phát triển đời sống kinh tế đất nước.

 Khi phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực trong ngành khoa học, thường sẽ gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi hơn nam giới. Bởi lúc này họ phải làm tròn 2 vai “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; họ vừa phải làm tròn vai trò của người "xây tổ ấm”, vừa phải thực hiện sứ mệnh khoa học của mình. Vì thế nếu không quyết tâm và đam mê thì rất khó thành công. Cùng với việc bản thân tự nỗ lực, vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh thì điều quan trọng nhất là phải có đam mê, kiên nhẫn và được gia đình cảm thông, ủng hộ, nhiều phụ nữ đã thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Là một trong số nữ lãnh đạo tại Sở KH&CN, chị Nông Thị Hồng Hà, Phó Chánh văn phòng chia sẻ: “Với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học đứng trước rất nhiều khó khăn nhất là trước đòi hỏi về tính nhanh, chính xác, trong thời gian ngắn cần đưa ra kết quả mang tính cá biệt và đòi hỏi cao, có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống. Đồng thời phải cân bằng thời gian dành cho gia đình, vẹn toàn thiên chức làm vợ làm mẹ. Tuy nhiên, nữ giới ngành KHCN luôn tự hào và vinh dự với những nhiệm vụ chính trị được giao. Bằng tất cả niềm đam mê, lòng yêu nghề và nhiệt huyết, chúng tôi luôn cố gắng vượt qua khó khăn và hoàn thành mọi nhiệm vụ.”

Với đam mê nghiên cứu khoa học, chị Đoàn Thị Luyến, Chánh văn phòng tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã và đang giữ nhiều vị trí lãnh đạo tại Trung tâm: Từng là Trưởng phòng Công nghệ sinh học, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng… chị đã phát huy năng lực, sở trường của mình, tham gia thực hiện được nhiều đề tài, dự án, trong đó có: Dự án “Xây dựng mô hình trồng và chế biến quả gấc tại Cao Bằng; Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất một số giống hoa lan thương phẩm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào ở tỉnh Cao Bằng”; Dự án “Ứng dụng KH&CN trồng một số giống cây ăn quả năng suất chất lượng cao tại xã Trường Hà, tỉnh Cao Bằng”; Đề tài “Nhân giống cây dược liệu Lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và trồng thử nghiệm tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng”. Ngoài việc tham gia cùng đồng nghiệp thực hiện nghiên cứu khoa học, chị Đoàn Thị Luyến còn làm chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu, trồng thử nghiệm cây Ba kích dưới tán rừng tại tỉnh Cao Bằng”. Các đề tài của chị tham gia đều được đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Chị Luyến chia sẻ: “Bản thân tôi khi tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng rất may mắn khi được lãnh đạo đơn vị và người thân tạo điều kiện về thời gian để hoàn thành công việc được giao. Thông qua những hoạt động khoa học đã tham gia, cá nhân tôi cảm thấy rất vui khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con, đặc biệt những nơi còn khó khăn”

Trong số những người người tâm huyết, thành công, tạo dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực khoa học trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có bà Hoàng Thị Bình, sinh năm 1956 đã từng là giữ chức vụ Chủ tịch Hội Làm vườn, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong thời gian công tác, bà còn tham gia vào Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và nghỉ hưu vào cuối năm 2011. Nhưng được sự tín nhiệm, năm 2012 cho đến 2014 bà giữ các chức vụ Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh (viết tắt Liên hiệp Hội); hiện đang giữ chức Chủ tịch Liên hiệp cho đến nay đã được 10 năm. Hiện tại bà là người cao tuổi nhất trong lĩnh vực khoa học trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Với 12 năm làm việc tại Liên hiệp, bà không ngừng học hỏi, nỗ lực và khiêm tốn, thực hiện tốt vai trò chủ nhiệm đề tài, dự án, tham gia hàng trăm Hội đồng tư vấn, tuyển chọn, nghiệm thu các đề tài. Đặc biệt, Cao Bằng là một trong 6 tỉnh tham gia đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam từ năm 2015 đến nay.

Đồng thời, hoàn thành xuất sắc trong các hoạt động chuyên môn, nổi bật như: Tập hợp các tầng lớp trí thức; tuyên truyền phổ biến kiến thức; tư vấn, phản biện xã hội; tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng. Sự cống hiến nỗ lực không ngừng nghỉ của bà đã được các cấp ngành trong tỉnh và Trung ương ghi nhận: Năm 2019 bà được Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tặng Huy hiệu vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng; năm 2023 được Bằng khen của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Bà chia sẻ: “Cùng với sự quan tâm của chính quyền, các cấp, ngành, có thể nói hoạt động của Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Cao Bằng nói chung và sự nỗ lực cố gắng của bản thân tôi nói riêng, mặc dù còn không ít khó khăn, vất vả nhưng tôi cũng rất tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ bé về sức lực, trí tuệ của mình trong việc thực hiện phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng. Hiện nay đối với chị em phụ nữ nói chung việc nghiên cứu khoa học cũng như tham gia các hoạt động khoa học cũng là vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Đối với tỉnh Cao Bằng tôi thấy rất mừng khi thời gian gần đây lực lượng trí thức trẻ, trí thức nữ đã tăng nhiều về số lượng và chất lượng. Rất nhiều chị em tham gia về các hoạt dộng KHCN, đóng góp năng lực của mình trong hoạt động KHCN địa phương. Tôi cũng rất mong trong thời gian tới đây các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc thiểu số phát huy năng lực trí tuệ của họ để họ đóng góp năng lực, trí tuệ để phát triển kinh tế xã hội, quê hương, đất nước.

Bà Hoàng Thị Bình (áo dài đỏ) trao giải cho các cá nhân đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cao Bằng lần thứ 8

Nhắc đến đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn có bà Đinh Thị Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà. Đây là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tại tỉnh do bà Thùy sáng lập và điều hành. Từ nhiều năm nay, công ty luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại địa phương.

Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp KH&CN cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng với tình yêu dành cho khoa học, bà Thùy đã khắc phục những  trở ngại, đưa Công ty gặt hái được nhiều thành quả nhất định. Đặc biệt, trong tháng 9/2023, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà vinh dự là một trong số 11 doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu sáng tạo năm 2023 được Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VTS) vinh danh.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trao Bảng vàng doanh nghiệp KH&CN tiêu biểu sáng tạo 2023 cho Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Ngân Hà

Đam mê về khoa học và truyền cảm hứng trong ngành giáo dục cho tỉnh Cao Bằng nói chung và giáo viên, học sinh trường THPT Chuyên nói riêng, có cô giáo Đỗ Thị Hương Trà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM trường THPT Chuyên. Tháng 2/2023 cô Trà đã hướng dẫn đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng gồm 7 em học sinh tham gia Giải vô địch VEX IQ Robotics toàn quốc năm 2023 và trở thành 1 trong 20 đội xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham gia tranh tài tại đấu trường Robotics lớn nhất thế giới: “VEX Robotics World Championship 2023” tại bang Texas, Mỹ. Tranh tài với hơn 3.000 đội đến từ gần 70 quốc gia, bằng sự thông minh, sáng tạo, kiên trì, nỗ lực và vượt khó vươn lên, Đội Robotics 11 Cao Bằng đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, nội dung thi liên minh đội đạt 191,75 điểm, xếp hạng 30/77 tại vòng bảng, cao hơn thành tích Đội vô địch quốc gia Việt Nam đạt được và cao hơn 1,6 lần so với thành tích của chính đội ở giải vô địch quốc gia diễn ra vào tháng 2/2023. Với nội dung thi kỹ năng (gồm lập trình và điều khiển), đội vượt hơn 1.000 thứ hạng, bứt phá từ TOP 1.187 lên TOP 183 thế giới. Kết quả này cho thấy Đội Robotics 11 Cao Bằng chỉ trong thời gian ngắn đã có sự tiến bộ bất ngờ, đặc biệt đây là lần đầu tiên tham gia tranh tài tại đấu trường lớn nhất thế giới về robot.

Cô Trà khiêm tốn chia sẻ: Vốn là giáo viên chuyên Sinh, bản thân làm quen với robot khi được nhà trường giao phụ trách câu lạc bộ STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) năm 2021. Để có kiến thức đồng hành cùng học sinh, tôi tự học trên mạng, hỏi chuyên gia và tham gia các khóa tập huấn và học hỏi từ các học trò. Khi được giao hướng dẫn đội tuyển Robotics 11Cao Bằng, đội gặp không ít khó khăn, để lắp được một con rô bốt hoàn chỉnh, cần phải có nhiều vật liệu, tôi phải đi mượn ở đội bạn hoặc trung tâm ở Hà Nội, sân thi đấu cũng phải đi mượn. May mắn các trường ở Hà Nội, họ rất nhiệt tình tạo điều kiện, đồng thời hướng dẫn thêm về kỹ thuật thi đấu. Khó khăn nhiều là thế nhưng khi nhìn thấy các em thực sự đam mê, làm việc không mệt mỏi, vẫn đi học trên lớp và lúc nào cũng luyện tập đến 11 giờ đêm. Mình nhìn vào niềm đam mê của các em để nỗ lực, các em cố gắng được thì mình cố gắng được".

Cô Trà và đội tuyển Robotics 11Cao Bằng chụp ảnh lưu niệm với đội bạn

Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều phụ nữ tiêu biểu có đóng góp cho hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong tất cả các lĩnh vực KHCN còn có rất nhiều chị em vẫn đang ngày đêm nỗ lực cống hiến công sức, trí tuệ của mình góp phần vào thành công chung cho ngành khoa học địa phương.

Có thể nhìn nhận rằng, mỗi người phụ nữ đều có cách riêng để theo đuổi đam mê của mình. Vai trò tiên phong của các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, truyền cảm hứng về nghiên cứu khoa học cho các thế hệ trẻ. Bên cạnh những vinh quang ấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị em phụ nữ cũng gặp không ít những rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Mỗi ngành, mỗi nghề đều có vị trí, ý nghĩa riêng, tuy nhiên điểm chung đối với phụ nữ đã làm khoa học đó là họ đều nhận thấy KHCN đã giúp con người năng động, phát triển và bản lĩnh hơn. Tuy vất vả nhưng khoa học đã giúp những phụ nữ ấy vươn lên làm chủ cuộc sống và tự hào với kết quả mà họ đã dày công thực hiện, nghiên cứu./.

 P.H

 

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat