“Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo” là một trong các giải pháp để thực hiện đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Đây là một trong những giải pháp quan trọng, chủ yếu đã được Chính phủ xác định, nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ năm 2020.
Theo đó, làn sóng đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương trên cả nước. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, ĐMST đang diễn ra sôi động và đạt được nhiều kết quả.
Hội nghị tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về hoạt động ĐMST và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” (sau đây gọi tắt là Đề án), năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1636/KH-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2021 về triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Cũng từ đó, các hoạt động nhằm thúc đẩy, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh đã được tập trung triển khai đồng bộ.
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án. Nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, từ tháng 12 năm 2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án (Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 03/12/2021 và kiện toàn tại Quyết định kiện toàn số 1600/QĐ-UBND ngày 01/11/2022 ), trong đó có đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực KH&CN làm Trưởng ban; đồng chí Giám đốc Sở KH&CN làm Phó Trưởng ban thường trực và 02 Phó Trưởng ban là đại diện Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; các thành viên Ban chỉ đạo gồm có các cơ quan, sở, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Tỉnh đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội Doanh nghiệp của tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cao Bằng.
Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo đã tổ chức phiên họp đầu tiên vào ngày 19 tháng 4 năm 2022 và thông qua việc ban hành Quy chế hoạt động, Kế hoạch của Ban chỉ đạo trong năm 2022, nhằm điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án, đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị, thành viên Ban chỉ đạo.
Kết quả từ khảo sát thực trạng ban đầu đến các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Để làm rõ bức tranh toàn cảnh về thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh Cao Bằng, nhiệm vụ khảo sát, điều tra, thu thập thông tin (về các tiêu chí Chính phủ và môi trường pháp lý; Nguồn nhân lực; Mật độ; Văn hóa; Vốn đầu tư) đã được triển khai thực hiện, để đánh giá về thực trạng, vai trò, mức độ nhận thức của cộng đồng, cũng như sự tham gia/thúc đẩy của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ kết quả khảo sát, cho thấy thực trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Cao Bằng hiện mới chỉ ở cấp độ “Hệ sinh thái mới hình thành”. Hệ sinh thái ĐMST hiện nay đang thiếu đi nhiều “cấu phần” quan trọng, cơ bản của một hệ sinh thái đầy đủ, cụ thể là: tỉnh Cao Bằng không có trường đại học, hay viện nghiên cứu; chưa hình thành, thành lập trung tâm, tổ chức dịch vụ hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chưa có cơ sở ươm tạo, cũng như không gian, khu nhà làm việc chung phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST
Nhận thức rõ thực trạng của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của địa phương, trong năm 2022, Ban chỉ đạo và các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đã tập trung, quyết liệt triển khai nhiều hoạt động, nhằm kích thích, thúc đẩy để hệ sinh thái có bước hình thành, khởi sắc từ việc nâng cao nhận thức của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị và cộng đồng nhân dân đến việc xây dựng, hình thành, nâng cao năng lực cho các đối tượng chủ thể của hệ sinh thái. Kết quả cụ thể đã đạt được của các ngành, đoàn thể trong việc góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2022:
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các định hướng, mục tiêu và cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh trong giai đoạn 2021- 2030 đến tổ chức, cá nhân có liên quan thông qua các phương tiện truyền thông: cổng thông tin điện tử, website, báo, bản tin chuyên ngành, Đài Phát thanh và Truyền hình... Điển hình như đã thực hiện truyên truyền trên Bản tin khoa học và công nghệ; 01 phóng sự “Đẩy mạnh kết nối nguồn lực hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng”…; Tổ chức trực tiếp hoặc lồng ghép tổ chức nhiều hội nghị để tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, cũng như nâng cao nhận thức, kỹ năng như: Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, gắn kết hoạt động phổ biến, tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030 với trên 50 đối tượng là các nhà quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia; Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 04 Hội nghị lồng ghép tuyên truyền các cơ chế chính sách của Trung Ương và cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh về nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo với trên 220 đối tượng là các hội viên nông dân tham gia; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tổ chức lồng ghép được 223 cuộc truyền thông, tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Trung Ương và cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, cũng như cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cho khoảng 11.138 lượt đối tượng là các hội viên phụ nữ; Tỉnh đoàn thanh niên tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh với lực lượng thanh niên tỉnh Cao Bằng lần đầu tiên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề “Thanh niên tỉnh Cao Bằng với khởi nghiệp, lập nghiệp”, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo lực lượng thanh niên của các huyện, thành phố trên toàn tỉnh tham dự.
Các hoạt động, sự kiện thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương” năm 2022 nhằm trao đổi, chia sẻ về vai trò, phương pháp, mô hình xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho địa phương; thúc đẩy cùng triển khai chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên kết theo vùng kinh tế, với sự tham gia của trên 10 diễn giả, chuyên gia cấp quốc tế (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản) và quốc gia, cùng với sự tham dự của trên 120 đối tượng là các nhà quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân khởi nghiệp tham gia; tổ chức 10 gian hàng trưng bày, giới thiệu các dự án, ý tưởng, sản phẩm KH&CN, KNĐMST, OCOP và các sản phẩm tiêu biểu khác của tỉnh Cao Bằng và các địa phương lân cận nhằm quảng bá tiềm năng phát triển các sản phẩm, dịch vụ của tỉnh Cao Bằng và các tỉnh lân cận trên cơ sở nền tảng khai thác, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kết nối các thành phần của hệ sinh thái, hỗ trợ khai thác, phát triển ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái liên kết, liên vùng.
Sự kiện “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 được tổ chức đã khơi dậy phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Phiên chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do phụ nữ làm chủ với 16 gian hàng trên 150 sản phẩm là những nông sản, thực phẩm an toàn được sản xuất từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh và thu hút trên 450 người tham gia, tại ngày hội đã kết nối hỗ trợ vốn vay cho 05 mô hình phát triển kinh tế với 70 thành viên tham gia mô hình với tổng trị giá vốn cho vay là 1,4 tỷ đồng. Trong năm, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã tuyên truyền, vận động hội viên các cấp hội phụ nữ tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ. Kết quả có 1.251 lao động nữ được tư vấn về việc làm, học nghề; 258 lao động nữ được giới thiệu việc làm; 466 lao động nữ được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng, đào tạo nghề. Ngoài ra, phối hợp vận động 2.554 hội viên, phụ nữ tham gia các lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, luân canh cây trồng, pha chế phân vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,...; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức “Ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT và diễn đàn học sinh, sinh viên khởi nghiệp năm 2022”, diễn đàn chuyển đổi số - nền tảng cho thanh niên sáng tạo... cung cấp, trang bị những kiến thức, kỹ năng về phỏng vấn, ứng tuyển, đàm phán để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Hoạt động này đã được tổ chức tại các 06 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và thu hút trên 1.900 nghìn học sinh tham gia.
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng” và tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo do Tỉnh đoàn thanh niên chủ trì tổ chức cho đối tượng thanh niên tỉnh Cao Bằng đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đoàn viên, thanh niên nông thôn trên địa bàn tỉnh với 23 dự án khởi nghiệp về các lĩnh vực: trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, sản xuất, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… trong đó có nhiều dự án có tính ứng dụng, khả thi cao trong thực tiễn đã được các thanh niên triển khai trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Trong năm 2022, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo đã tích cực, tổ chức triển khai 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về các vấn đề như: tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý về đổi mới sáng tạo cho 50 lượt đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác, hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng viết ý tưởng khởi nghiệp, cách thức lập kế hoạch khởi sự kinh doanh, hướng dẫn thành lập HTX theo Luật hợp tác xã cho 50 lượt đối tượng hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp tham gia; 17 cuộc truyền thông hướng dẫn viết ý tưởng, xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển kinh tế hộ, nắm bắt nhu cầu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội,... cho 782 cho hội viên phụ nữ; 11 lớp tập huấn về kiến thức quản lý tài chính, sử dụng vốn, hướng dẫn triển khai các văn bản mới của Ngân hàng, cơ chế chính sách của Trung Ương, địa phương dành cho đối tượng là phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp với trên 500 lượt người tham gia; Hội Nông dân tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cho đối tượng nông dân với 200 người tham gia; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức 04 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho đối tượng học sinh, sinh viên với sự tham gia của học sinh, sinh viên các trường THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Cao đẳng Sư phạm;... Bên cạnh việc tổ chức, các cơ quan, đơn vị cũng cử nhiều lượt cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc tham gia các chương trình, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương.
Công tác tổ chức kết nối, hỗ trợ hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh: Trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương”, tỉnh Cao Bằng đã hình thành được Mạng lưới cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng gồm 10 thành viên là các chuyên gia, cố vấn ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nhằm cố vấn, hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và hỗ trợ việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối với các chuyên gia, các Làng công nghệ - Techfest Quốc gia cũng được tăng cường thúc đẩy như việc kết nối, tổ chức hoạt động tư vấn của Làng Nông nghiệp thông minh, Làng Hợp tác xã đổi mới sáng tạo,...
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới được 15 mô hình liên kết sản xuất để thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ trong tình hình mới như: Mô hình “Trồng rau an toàn”; Mô hình“Trồng dâu nuôi tằm”; Mô hình“Trồng nấm”; Mô hình “Sở thích trồng gừng”; Mô hình “Chăn nuôi lợn”; Mô hình “Chăn nuôi trâu bò vỗ béo”; Mô hình “Chăn nuôi thỏ”; Mô hình “Chăn nuôi gà, vịt”; Mô hình “VAC”; "Vận động tiết kiệm tiền ủng hộ khởi nghiệp;
- Tỉnh đoàn thanh niên Cao Bằng đã thành lập 01 Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp tập hợp doanh nhân trẻ khởi nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề nhằm kết nối và thúc đẩy quan hệ liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, giúp đỡ nhau vì sự phát triển bền vững.
Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo:
Thực hiện Nghị quyết số 93/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, trong năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 06 lượt đối tượng tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã về đẩy mạnh hoạt động đầu tư, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hình thành các ý tưởng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường... với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 161.500.000 đồng (từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ tỉnh).
Kế hoạch nhiệm vụ triển khai trong năm 2023: Thúc đẩy hoạt động hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST địa phương trong năm 2023, Ban chỉ đạo và các cơ quan thành viên tham gia Ban chỉ đạo sẽ tập trung, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
(i) Một là, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng tổ chức các diễn đàn, đối thoại về chủ đề khởi nghiệp; tiếp tục duy trì chuyên trang, mục trên báo Cao Bằng, đài phát thanh truyền hình tỉnh và các phương tiện truyền thông khác;
(ii) Hai là, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Cao Bằng theo hướng khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội hoá tham gia thành lập, xây dựng và vận hành Trung tâm; là đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương, liên kết chặt chẽ với hoạt động của vùng, quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên kết xung quanh trung tâm, chủ động tương tác, chia sẻ, hỗ trợ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(iii) Ba là, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng, có gắn kết, kết nối và tương tác với Cổng Thông tin khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, cổng thông tin điện tử của tỉnh; nhằm cung cấp, truyền tải thông tin cho doanh nghiệp, người dân, phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(iv) Bốn là, khởi động tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất năm 2023-2024 và tiếp tục tổ chức các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp nhằm tìm kiếm, thúc đẩy tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho thanh niên nông thôn và hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh;
(v) Năm là, tổ chức các sự kiện diễn đàn, ngày hội khởi nghiệp… dành cho đối tượng phụ nữ, nông dân, thanh niên; tham gia các sự kiện techfest vùng, quốc gia; tham gia kết nối các mạng lưới nguồn lực đa dạng, mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia;
(vi) Sáu là, tiếp tục tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác hỗ trợ khởi nghiệp; tập huấn kỹ năng khởi nghiệp, tư vấn hướng dẫn nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các cá nhân, tổ chức… trên địa bàn tỉnh;
(vii) Bảy là, tăng cường kết nối các nguồn lực là các làng công nghệ quốc gia, ngân hàng thương mại, công ty, tập đoàn, doanh nhân cho hỗ trợ khởi nghiệp như vay vốn, tư vấn, đầu tư và kết nối thị trường;
(viii) Tám là, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: hỗ trợ trực tiếp cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo đạt giải tại các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ thúc đẩy được ít nhất 01 doanh nghiệp khai thác sáng chế đổi mới sáng tạo.
Tác giả bài viết: Bế Thị Bình - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ SHT