Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
Sở KH&CN đồng hành với phong trào thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Sở KH&CN đồng hành với phong trào thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 22-09-2023 Lượt xem 331

Thanh niên là một trong những lực lượng quan trọng, đi đầu trong ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, khởi nghiệp. Những năm qua, tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng đã luôn thể hiện vai trò xung kích trong các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong phong trào lập nghiệp.

Bằng ý chí, khát vọng làm giàu chính dáng trên mảnh đất quê hương, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, xuất hiện nhiều gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Với sự đồng hành, hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cao Bằng, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên đã lan tỏa, sôi nổi trên phạm vi toàn tỉnh.

Đ/c Nông Thành Thân, Phó giám đốc Sở KH&CN Cao Bằng phát biểu tại lễ trao tặng gói vật tư chuyển giao nông nghiệp cho Nông trại La Dũng

Anh La Văn Dũng ở xã Bạch Đằng, huyện Hoà An lựa chọn trồng cây ăn quả để khởi nghiệp. Nông trại La Dũng bắt đầu trồng cây từ năm 2017, trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ vì anh nhận thấy người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ nên việc sản xuất các loại hoa quả theo hướng hữu cơ sẽ tạo chỗ đứng vững trên thị trường. Nông trại La Dũng, hiện nay trồng hơn 6ha các loại cây. Trong đó diện tích cây ăn quả là 3 ha bao gồm: Ổi 500 cây; Hồng xiêm 50 cây, thanh long 300 trụ; Dứa 15000 cây; mít 200 cây; Buởi 50 cây, Cam 100 cây; hơn 3ha trồng cây lâm nghiệp và 1000m2 ao cá. Một số loại cây ăn quả trồng lâu năm nên đã có dấu hiệu thoái hóa, xuất hiện sâu bệnh hại, anh rất trăn trở với việc xử lý sâu bệnh cho các loại cây. May mắn đã mỉm cười khi anh được nhận gói hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ và chế phẩm sinh học trong nông nghiệp trị giá 50 triệu đồng từ Làng Nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia. Gói hỗ trợ này thực sự là cứu cánh cho nông trại của anh, tạo điều kiện thuận lợi để nông trại phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để cung cấp cho thị trường các loại quả hữu cơ, đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho người sử dụng.

Cũng là khởi nghiệp về nông nghiệp, anh Nông Lâm Trường, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ Thành Công, huyện Thạch Anlà một trong 25 chủ thể mô hình kinh doanh khởi nghiệp tham gia lớp tập huấn "Hoàn thiện mô hình kinh doanh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa vào tài nguyên bản địa" do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức trong tháng 7/2023. Đến với lớp tập huấn, anh đã giới thiệu với mọi người về cây gai xanh AP1, những sản phẩm từ cây gai xanh...Anh chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình: "Nhận thấy cây gai xanh bản địa mọc tự nhiên tại nhiều địa phương, được nhân dân lấy rễ làm thuốc, đặc biệt lá gai được dùng làm bánh. Từ bao đời nay người dân thường coi đó là loại cây phụ nên chỉ trồng xen trong vườn hoặc các bãi hoang ven sông, ven suối. Tuy nhiên, khi biết Tập đoàn Đầu tư và Thương mại An Phước đã đầu tư nhà máy chế biến sợi tại tỉnh Thanh Hóa và mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La…. Tháng 3/2022, HTX thương mại dịch vụ Thành Công đã làm việc với đại diện Tập đoàn An Phước, ký kết triển khai dự án trồng cây gai xanh AP1 phát triển vùng nguyên liệu tại huyện Thạch An. Người dân tham gia dự án được bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cung cấp giống, phân bón… Sau hơn 3 tháng triển khai, nhận thấy giống cây gai xanh AP1 phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây gai xanh phát triển tốt, nên diện tích vùng trồng của HTX đã tăng lên nhanh chóng". Xuất phát điểm vùng trồng của HTX chưa đến 10 ha, hiện nay tổng diện tích đã tăng lên 35ha, tập trung ở các huyện: Thạch An, Hà Quảng, Quảng Hòa và Thành phố. Diện tích cây cho thu hoạch khoảng 24ha, sản lượng khoảng 24 tấn/năm. 

Cây gai xanh AP1 là cây đa tác dụng, sản phẩm chủ yếu là vỏ. Vỏ của cây gai xanh được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá của cây gai xanh được dùng để làm gánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Một ưu điểm nữa là cây không kén đất, có thể trồng ở các loại đất và mọi địa hình như sườn đồi dốc, đám rẫy, đất ruộng… Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 01 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 08 - 10 năm, về trồng và chế biến cây gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với một số cây trồng khác. Đến với lớp tập huấn, anh Nông Lâm Trường đã được các cố vấn, chuyên gia Làng nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia hỗ trợ tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh toàn quốc lần 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. Mô hình “Liên kết phát triển trồng cây gai xanh AP1 gắn với tiêu thụ sản phẩm vỏ gai khô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng gắn liền với sản xuất nông nghiệp xanh" của anh Nông Lâm Trường đã được lọt vào vòng bán kết của cuộc thi.

Một mô hình khởi nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng nhận được hỗ trợ từ chuyên gia Làng Nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia đó là Hợp tác xã An Khôi, huyện Trùng Khánh do chị Hoàng Thị Bay làm Giám đốc. Với mong muốn bảo tồn giá trị tài nguyên bản địa, Hợp tác xã An Khôi đã có gian hàng giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản, đặc sản của Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Được tham gia nhiều khóa học, đặc biệt là khóa tập huấn "Hoàn thiện mô hình kinh doanh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dựa vào tài nguyên bản địa" do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, chị Hoàng Thị Bay đã định hướng được con đường mà hợp tác xã sẽ phát triển. Gian hàng của HTX An Khôi có vị trí địa lý thuận lợi, lượng khách du lịch dừng chân nhiều, nên chị đã lựa chọn những sản phẩm trưng bày và bán từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe, đồng thời gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những sản phẩm được chị chú trọng sản xuất bao gồm: bún, bún ngô, thạch đen, lạp sườn...với phương châm trồng trọt,sản xuất và bán những sản phẩm thuận tự nhiên, những mặt hàng của HTX An Khôi đã dần tạo được lòng tin và du khách gần xa lựa chọn. Trong khóa tập huấn, với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, các chuyên gia Làng Nông nghiệp thông minh Techfest quốc gia, Mô hình “Bảo tồn giá trị tài nguyên bản địa” của chị Hoàng Thị Bay đã được lọt vào vòng bán kết của Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh toàn quốc lần 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức. 

Dám nghĩ, dám làm, quyết tâm thay đổi cái cũ để hướng đến cái mới, đó là những gì mà 3 mô hình nêu trên đang thực hiện. Từ các mô hình trên có thể thấy bức tranh tổng thể về phong trào thanh niên khởi nghiệp hiện nay chủ yếu có hai lĩnh vực đó là: nông nghiệp và dịch vụ du lịch thương mại - đây cũng là những nội dung đột phát của tỉnh Cao Bằng. Qua các mô hình đã cho thấy sự thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của thanh niên trên con đường lập nghiệp.

Các mô hình kinh tế của thanh niên hiên nay khá đa dạng, có nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.  Nhưng  để các mô hình phát triển bền vững, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa nội lực của địa phương.

Tuy nhiên, các mô hình thanh niên trên địa bàn tỉnh vẫn chỉ dừng ở mức độ sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, chưa có sản phẩm có giá trị, chất lượng cao để có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Vì vậy, thời gian tới Sở KH&CN sẽ tiếp tục đã có định hướng cho thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp và hỗ trợ mô hình khắc phục khó khăn.

Để định hướng cho thanh niên trên con đường khởi nghiệp, Sở KH&CN Cao Bằng, các chuyên gia đã và sẽ luôn đồng hành cùng thanh niên trong việc hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình, ý tưởng… Nhờ đó phong trào thanh niên khởi nghiệp lan toả sôi nổi, tạo điều kiện để thanh niên phát huy sức trẻ, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 Tác giả bài viết: P.H

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat