Chào mừng đến với Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng
Dự án

Dự án "Sắc màu thổ cẩm miền non nước": Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Ngày 27-11-2024 Lượt xem 166

Dự án "Sắc màu thổ cẩm miền non nước" nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Qua đó góp phần quảng bá văn hóa bản địa với du khách đồng thời tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Trong cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất, năm 2023-2024” dự án đạt giải Khuyến khích và giải phụ “Dự án có tính bảo tồn văn hóa” do Công ty cổ phần Hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI trao tặng.

 

 

Dự án “Sắc màu thổ cẩm miền non nước” của bạn Trần Thị Xuân Quỳnh, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm thủ công đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Cao Bằng như: túi xách thổ cẩm, túi xách thêu hoa văn, tranh dệt thổ cẩm, ví thêu, móc treo chìa khóa thêu tay, bùa cầu an, khăn thổ cẩm, quả còn trang trí, búp bê nam, nữ mặc trang phục dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao đỏ, Dao tiền, Lô Lô, Sán Chỉ, Kinh... Mỗi sản phẩm đều là kết tinh của nghệ thuật dệt, thêu tay, nhuộm chàm và in hoa văn bằng sáp ong được tạo nên từ bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tại địa phương.

Xác định rõ mục tiêu, Dự án tập trung vào việc phát huy và bảo tồn nghề nhuộm vải chàm, dệt thổ cẩm, thêu và in hoa văn bằng sáp ong truyền thống của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Cao Bằng, đồng thời tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện đại. Điểm độc đáo của mỗi sản phẩm đó chính là giữ nguyên các họa tiết truyền thống, kết hợp yếu tố hiện đại, mang lại sự tươi mới và thu hút đặc biệt đối với giới trẻ.

 

Sản phẩm của bạn Quỳnh tham gia giới thiệu tại Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn, năm 2024

Dự án "Sắc màu thổ cẩm miền non nước" mang lại nhiều tác động tích cực không chỉ về mặt văn hóa mà còn về mặt kinh tế và xã hội:

Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa: Nghề thủ công truyền thống là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn và phát triển nghề này không chỉ giúp duy trì bản sắc dân tộc mà còn tạo cơ hội cho các thế hệ mai sau tiếp cận và gìn giữ di sản này.

Phát triển kinh tế bền vững: Các sản phẩm thổ cẩm, với chất lượng thủ công cao và sự đa dạng về kiểu dáng, sẽ tạo ra những cơ hội xuất khẩu, mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho các hộ dân tộc thiểu số.

Tăng cường sự đoàn kết cộng đồng: Dự án cũng đóng góp vào việc xây dựng sự gắn kết giữa các cộng đồng dân tộc, khuyến khích họ chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra một môi trường hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển nghề dệt thổ cẩm.

Từ khi thành lập dự án, các sản phẩm thủ công của bạn Quỳnh đã có mặt tại nhiều sự kiện văn hóa - du lịch trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV - Bắc Kạn, năm 2024; Hội nghị gặp gỡ Thái Lan lần 2 tại Lào Cai; Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; Phiên chợ giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Cao Bằng năm 2024; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất - Techfest Cao Bằng năm 2024.

Dự án tham gia trưng bày tại ""  Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất - Techfest Cao Bằng năm 2024"

 

Dự án "Sắc màu thổ cẩm miền non nước" không chỉ là một dự án bảo tồn văn hóa mà còn là một cơ hội để phát triển kinh tế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Dự án đã thu hút được nhiều thợ thủ công người Tày, Nùng, Mông và Dao Tiền có tay nghề cao cùng tham gia. Dự án cũng góp phần giúp hồi sinh nghề truyền thống, tạo ra việc làm ổn định cho các nghệ nhân, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng và bảo tồn một phần di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

P.H

Kết nối
wiget Chat Zalo Whatsapp Chat