Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, bằng đam mê, gửi trọn tâm huyết vào từng sản phẩm, anh La Văn Dũng, xóm Nà Roác 1, xã Bạch Đằng huyện Hòa An đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật, từng bước gây dựng một nông trại “sạch từ đất, chất từ tâm”. Anh mong muốn đưa sản phẩm “Mật Ong người Tày La Dũng” ngày càng vươn xa, góp phần bảo tồn và lan tỏa một một nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Tày, mang đến cho khách hàng một thức quà quý từ núi rừng thiêng liêng Cao Bằng.
Anh Dũng chia sẻ: "Mảnh đất Cao Bằng địa đầu Tổ quốc là "người con” được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng một hệ sinh thái hết sức đa dạng, phong phú cùng những sản vật quý giá và độc đáo. Ngay tại nơi đây, trong sự hòa hợp của con người và thiên nhiên núi rừng, từng giọt tinh hoa được kết đọng lại. Ấy là những giọt mật ong từ hoa rừng tự nhiên thơm ngát, được chắt chiu bởi những người con dân tộc Tày Cao Bằng và được lan tỏa đến cho các vị khách dưới cái tên “Mật Ong người Tày La Dũng”.
Mật Ong người Tày La Dũng là thương hiệu cung cấp sản phẩm mật ong có nguồn gốc 100% từ hoa rừng tự nhiên. Mỗi năm, ở nông trại La Dũng, mật ong được khai thác duy nhất một lần, bắt đầu từ đầu tháng 3 đến tháng 6 âm lịch là thời điểm mùa hoa rừng nở rộ nhất, tạo nên những giọt mật đậm đặc, tinh khiết mang hương vị đặc trưng nhất.
Sản phẩm Mật ong người Tày La Dũng
Thị trường tiêu thụ
Hiện tại Mật Ong người Tày La Dũng chủ yếu được tiêu thụ chính tại thị trường tỉnh Cao Bằng và được bán tại một số cửa hàng ở các tỉnh lân cận.
Mong muốn
Nông trại La Dũng mong muốn cung cấp cho khách hàng những giọt mật tinh khiết, chất luợng nhất tới tay khách hàng. Thông qua những chai mật ong để lưu giữ và truyền tải phần nào những nét văn hóa tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Tày Cao Bằng.
Dự định phát triển
Mật ong người Tày La Dũng sẽ không ngừng tăng trưởng cả chất lượng lẫn số lượng. Tiếp tục chiếm lĩnh thị trường không chỉ ở trong tỉnh mà sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác trong toàn quốc.
Sản phẩm mật ong “Người Tày” của nông trại La Dũng được gắn mã QR code truy xuất nguồn gốc và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng của thị trường, anh đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nông sản trên mạng xã hội Facebook, Youtube, mở rộng kênh tiêu thụ online. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh thu về từ 250 - 300 triệu đồng; tạo việc làm cho 3 - 5 lao động thời vụ tại địa phương.
Với uy tín, thành công của mình, anh Dũng có cơ hội tham gia nhiều chương trình tập huấn về khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho thanh niên. Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2023, anh vinh dự được nhận gói hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ và chế phẩm sinh học nông nghiệp trị giá 50 triệu đồng. Đặc biệt, Dự án “Ứng dụng vi sinh trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng và thức ăn trong chăn nuôi” của anh giành giải nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng” năm 2023.