Ứng dụng vi sinh trong sản xuất phân bón cho cây trồng và thức ăn chăn nuôi” của thí sinh La Văn Dũng (huyện Hoà An)
Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, bằng đam mê, gửi trọn tâm huyết vào từng sản phẩm, anh La Văn Dũng, xóm Nà Roác 1, xã Bạch Đằng (Hòa An) mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật, từng bước gây dựng một nông trại “sạch từ đất, chất từ tâm”.
Bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Dũng làm việc trong ngành công nghệ thông tin ở Hà Nội với mức lương ổn định. Tuy nhiên, chàng trai trẻ luôn ấp ủ ý tưởng phát triển nông nghiệp sạch, khao khát lập thân, lập nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Cuối năm 2017, anh Dũng quyết định rời thủ đô, khăn gói về quê bắt tay vào công cuộc “làm giàu từ đất”.
Câu chuyện khởi nghiệp vốn không hề thuận buồm xuôi gió ngay từ ban đầu. Anh Dũng phải thuyết phục gia đình chuyển đổi toàn bộ đất đồi xung quanh nhà sang trồng cây ăn quả. Xây dựng mô hình nông trại hữu cơ khi kiến thức, kinh nghiệm trong tay chỉ là “con số 0”, anh Dũng tự tìm tòi, học hỏi kiến thức trồng cây ăn quả sạch qua sách báo, Internet, tích cực tham quan các mô hình ở trong, ngoài tỉnh. Khi mới trồng cây, vì thiếu kỹ thuật nên cây phát triển chậm, thậm chí có một số cây bị chết do sâu bệnh. Cùng với đó là vấn đề vốn duy trì trong giai đoạn đầu, vừa phải cải tạo đất, vừa tốn chi phí chăm sóc cây, xoay sở làm sao có thể lấy cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày. Chỉ tính riêng trong năm đầu tiên khởi nghiệp, anh đầu tư vào nông trại hơn 200 triệu đồng.
“Thời điểm đó, không ít người phản đối việc tôi bỏ phố về làng làm nông nghiệp. Họ bảo tôi liều lĩnh, mạo hiểm quá. Cũng may, dù khó khăn, tôi vẫn nhận được niềm tin, sự ủng hộ từ gia đình. Đó là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao để tôi vượt qua tất cả”, anh Dũng nhớ lại.
Anh Dũng tập trung trồng các loại cây ăn quả mà thị trường ưa chuộng. Trong đó, hồng xiêm được xem là cây trồng chủ lực bởi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, chịu hạn tốt và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sau thời gian vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, hiện anh nắm vững kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả theo từng giai đoạn phát triển. Tại nông trại, mọi quy trình trồng trọt, chăn nuôi đều không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thức ăn tổng hợp. Chủ động tạo nguồn phân bón tại chỗ từ những phụ phẩm bỏ đi hằng ngày (rác thải hữu cơ, rơm rạ, cỏ...) và sử dụng vi sinh để ủ, phối trộn với cỏ cho cá ăn. Anh xác định phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, cung cấp sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
“Quả ngọt” từ gian khó
Hiện nay, anh đang khai thác 6 ha đất đồi, trong đó có 3 ha trồng cây lâm nghiệp, 3 ha trồng cây ăn quả các loại và ao rộng 1.000 m2 nuôi cá trắm cỏ. Nông trại La Dũng cách trung tâm Thành phố khoảng 5 km, nằm ngay trên trục đường chính thuận tiện giao thông đi lại. Khu vườn đồi cao, rộng được khoác lên màu xanh ngát của những cây bưởi, cam, hồng xiêm, dứa; màu thanh long đỏ hồng rực rỡ và thoang thoảng hương thơm ổi chín khiến bất cứ ai đến thăm cũng đều cảm thấy ấn tượng.
Anh La Văn Dũng giành giải nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng” năm 2023.
Bên cạnh đó, anh tự nhân giống cây trồng để tiết kiệm chi phí, bảo đảm những đặc tính tốt từ cây bố, mẹ; tận dụng các mùa hoa nở trong vườn nuôi ong lấy mật. Sản phẩm mật ong “Người Tày” của nông trại La Dũng được gắn mã QR code truy xuất nguồn gốc và được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nắm bắt xu hướng của thị trường, anh đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nông sản trên mạng xã hội Facebook, Youtube, mở rộng kênh tiêu thụ online. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh thu về từ 250 - 300 triệu đồng; tạo việc làm cho 3 - 5 lao động thời vụ tại địa phương.
Với uy tín, thành công của mình, anh Dũng có cơ hội tham gia nhiều chương trình tập huấn về khởi nghiệp, lập nghiệp dành cho thanh niên. Tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng, tháng 5/2023, anh vinh dự được nhận gói hỗ trợ tư vấn chuyển giao công nghệ và chế phẩm sinh học nông nghiệp trị giá 50 triệu đồng. Đặc biệt, Dự án “Ứng dụng vi sinh trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng và thức ăn trong chăn nuôi” của anh giành giải nhất Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn tỉnh Cao Bằng” năm 2023.
Phương Anh - Báo Cao Bằng